Tổng mức đầu tư trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 từ nguồn vốn trong và ngoài ngân sách dự kiến 20.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án nòng cốt trọng điểm. Tuy không có nhiều dự án nhà đầu tư nước ngoài nhưng dự án của nhà đầu tư trong nước rất có tiềm lực và rải đều trên các lĩnh vực.
Về hạ tầng sẽ đầu tư một số hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế xã hội như Dự án bến cảng số 2 cảng Chân Mây; Dự án nhà ga, sân đỗ đường lăn song song ở sân bay quốc tế Phú Bài; Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây nhằm giảm sóng lớn ảnh hưởng tàu ra vào mùa mưa; Các đô thị xanh sẽ được đầu tư 1.200 tỷ đồng để chỉnh trang, nâng cấp chủ yếu ở khu vực TP Huế - dự án này sẽ tiến hành vào tháng 5-6; Dự án đường ven đầm Lập An để phục vụ khu du lịch Lăng Cô.
Về vốn ngân sách sẽ khởi công đường Chợ Mai – Tân Mỹ và Phú Mỹ - Thuận An; 2 tuyến đường đang dở dang sẽ được tiếp tục đầu tư là Phong Điền – Điền Lộc nhằm phát triển khu công nghiệp Phong Điền và Thủy Phú – Vinh Thanh nối vào bãi biển Vinh Thanh. Bên cạnh đó tỉnh sẽ triển khai công viên nghĩa trang 200 tỷ đồng tại địa điểm công viên Địa Đàng trước đây.
Trong lĩnh vực công nghiệp năm 2018 nhà máy ốp lát granit của Công ty Vitto ở huyện Phú Lộc đang được đầu tư gần xong với tổng vốn 610 tỷ đồng; sẽ tiếp tục triển khai nhà máy điện mặt trời Phong Điền 870 tỷ đồng và một dự án điện mặt trời khác 1.200 tỷ đồng cũng tại huyện Phong Điền.
Đáng chú ý nhà máy bia Carlsberg sẽ di dời từ Hà Nội về Huế ở khu công nghiệp Phú Bài nhằm tăng công suất sản xuất bia. Ngoài ra, Công ty sản xuất lon bia Baosteel sẽ tăng đầu tư mở rộng dây chuyền thêm 10 triệu đô ở khu công nghiệp này; Nhà máy xi măng Đồng Lâm sẽ tiến hành giai đoạn 2 với tổng mức 450 tỷ đồng và Thủy điện Song Bồ sẽ triển khai khởi công trong năm.
Ở lĩnh vực bất động sản – du lịch – văn hóa, năm Mậu Tuất sẽ tiến hành đưa đường đi bộ ven sông Hương vào hoạt động dự kiến tháng 5-6. Một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Hue Spirit Sanctuary đầu tư 200 tỷ đồng với phân khúc khách hạng sang sẽ tiến hành ở Hương Hồ, Hương Trà. Cụm rạp chiếu phim giải trí tại đường Hai Bà Trưng 150 tỷ đồng nhằm phát triển phim Việt với chuẩn rạp hiện đại, màn ảnh lớn, giá bình dân sẽ hoàn thành.
Tại khu vực Chân Mây – Lăng Cô, khu phực hợp bất động sản – du lịch nghỉ dưỡng Đăng Kim Long sẽ tiến hành. Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna sẽ đầu tư mở rộng với 2 tỷ USD gồm kinh doanh casino, đầu tư 6 khách sạn 5 sao và xây dựng tổng số 2.300 căn hộ, biệt thự… trong vòng 10 năm tới tương lai sẽ hình thành một khu đô thị hiện đại tại Chân Mây.
Bên cạnh đó, tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc) và xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) đang tiến hành các thủ tục quy hoạch cho dự án 2 sân golf. Một thiền viện hàng trăm tỷ trên núi Hàm Rồng (xã Lộc Bình) và một khu nghỉ dưỡng sinh thái dưới chân núi này đang được họp và xem xét.
Riêng tại núi Bạch Mã ở huyện Phú Lộc, qua kết luận của Thủ tướng kiến nghị phải xem xét thận trọng, tránh tác động môi trường, nhà đầu tư xác định sẽ bỏ tiền thuê tư vấn làm quy hoạch, từ đó lựa chọn một số hạng mục để đầu tư theo đúng quy hoạch, tránh phá vỡ cảnh quan Bạch Mã. Chủ yếu sẽ phân tầng các khu vực càng lên cao và đẹp thì dịch vụ càng cao cấp nhằm phân khúc du khách, tránh tình trạng du khách đổ về ồ ạt.
Về nông nghiệp, tỉnh đang có các dự án như trang trại lợn sạch của Công ty 1-5 với 100 tỷ đồng ở huyện Phong Điền; Tập đoàn Quế Lâm đầu tư nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Phong Điền. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT chọn Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên để triển khai hệ thống quản lý liên hồ đập nhằm chống lũ, điều tiết lũ thông minh. Trước đây, việc dự báo trong phạm vi nhỏ không chính xác và bị động. Nay có dự án này, ở mỗi hồ đập sẽ có 1 radar đo mưa cho số liệu lượng mưa chính xác trong mỗi 3 ngày, sẽ có các camera, cảm biến để đo tốc độ xả nước đưa về hệ thống tổng, từ đó phân tích số liệu để điều phối nước về hạ lưu cực kỳ chính xác.
Điểm nhấn của tỉnh ở dự án tòa nhà Vincom ở trung tâm TP Huế, dự kiến tháng 5 sẽ đưa vào hoạt động phần thương mại, và tháng 8 sẽ xong toàn bộ. Một lượng lớn nhân viên đang được tuyển vào sẽ giúp cho nhân lực người tại Huế có việc làm tốt.
Ông Phan Thiên Định cho biết, mũi nhọn của tỉnh nhà xác định vẫn là du lịch, công nghiệp. Riêng ở lĩnh vực du lịch, nhiều con em ở tỉnh chưa được định hướng tốt, sau này khi những khu du lịch như Laguna, tòa nhà Vincom… đi vào hoạt động thì sẽ rất cần nhân lực. Vì vậy phải đẩy nhanh việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Hiện việc thu ngân sách của tỉnh ngoài tiền thu vé tham quan di tích trong lĩnh vực du lịch thì Huế vẫn đang dựa vào công nghiệp. Năm 2018 các nguồn thu mới ổn định như bia Carlsberg, granit Vitto, xi măng Đồng Lâm… sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách. Dự kiến tỉnh sẽ đưa chỉ tiêu thu 6.800 tỷ đồng trong năm nay. Việc triển khai một loạt các dự án quan trọng từ đầu năm là tín hiệu rất khả quan cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại Dương